Tìm kiếm nghề phù hợp
Về thăm vùng đất cách mạng,ếtchântròngieoyêuthươngnơiđấtthéxổ miền nam An toàn khu II Hiệp Hòa vào một dịp đầu thu, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Trung Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tiếng máy may liên hồi vang lên ngay khi chúng tôi đến đầu ngõ. Anh Lâm khập khiễng chống nạng ra đón chúng tôi với nụ cười ấm áp, nồng hậu.
Gần 40 năm qua, vật bất ly thân với anh Lâm (sinh năm 1984) là chiếc nạng gỗ, do từ nhỏ anh bị chứng teo cơ và liệt chân phải. Anh theo học đến hết lớp 8 thì nghỉ giữa chừng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn cùng với sự mặc cảm, tự ti khi đến lớp. Nhưng anh Lâm biết, ai cũng phải có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, với người khuyết tật (NKT) càng quan trọng vì lao động giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Anh đã xin bố mẹ cho đi học nghề may mặc và bén duyên với công việc này đã gần 20 năm.
Anh chia sẻ: "Công việc may gia công giúp tôi có thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi rất hiểu rằng NKT mong muốn có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không làm gánh nặng cho gia đình nên mô hình tổ nghề thủ công mỹ nghệ sẽ được chúng tôi mở rộng trong thời gian tới, tạo thêm công ăn việc làm cho NKT".
Anh Nguyễn Văn Hoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Anh Lâm và Ban chủ nhiệm CLB đã thành lập tổ nghề thủ công mỹ nghệ năm 2019 và hướng dẫn hội viên học nghề làm hoa giấy, vòng gỗ, gia công linh kiện điện tử..., tạo công việc cho 12 lao động khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận trong những năm qua.
Anh Lâm cho biết, hiện tại tổ nghề đang bị gián đoạn, gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, anh và ban chủ nhiệm sẽ quyết tâm khôi phục sản xuất trở lại, đảm bảo sinh kế cho hội viên.
Lan tỏa yêu thương
Tuy có cuộc sống tạm ổn định nhưng anh Lâm luôn đau đáu về những người đồng cảnh ngộ chưa một lần được khẳng định bản thân trong cộng đồng. Có người từ nhỏ chưa đi ra khỏi làng, mặc cảm về sự khiếm khuyết trên cơ thể như chiếc barie ngăn cản họ vượt lên số phận, tách biệt với cộng đồng.
Sau nhiều đêm trăn trở, một ngày đầu năm 2019, anh Lâm đã nêu ý tưởng thành lập CLB Thanh niên khuyết tật để đoàn kết, tương trợ, chia sẻ với NKT trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Ý tưởng của anh nhận được sự ủng hộ của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện và ngày 14.4.2019, CLB chính thức ra đời với 15 hội viên, anh Lâm được bầu làm chủ nhiệm.
Với tinh thần trách nhiệm cao, sau khi nhận nhiệm vụ, anh Lâm vừa hỗ trợ NKT vừa tạo tiếng nói cho cộng đồng người yếu thế. CLB đã tổ chức sự kiện đầu tiên - "Nâng bước chân em đến trường", vận động và tặng 8 triệu đồng cho các cháu là con của hội viên. Sau đó, CLB đã vận động được 30 suất quà trị giá 9 triệu đồng tặng các thiếu nhi khuyết tật nhân ngày 1.6, đứng ra làm hồ sơ xin cấp 10 xe lăn trị giá 20 triệu đồng tặng 10 NKT không đi lại được trên địa bàn huyện, phối hợp Bệnh viện Đa khoa Hiệp Hòa khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho NKT trị giá 25 triệu đồng và tặng 40 suất quà tết trị giá 12 triệu đồng cho NKT... Tính đến nay, CLB đã vận động và trao tặng khoảng 30 chiếc xe lăn cho NKT.
Bác Phạm Văn Nhàn, 70 tuổi, ở thôn Hòa Tiến (xã Hùng Sơn) khi nhận xe lăn xúc động nói: "15 năm trước tôi bị tai biến liệt cả người, không đi lại được. Không ngờ đến những năm tháng cuối đời tôi lại được nhận một chiếc xe lăn chắc chắn, đẹp đẽ, giúp tôi di chuyển ra đường, vơi bớt nỗi buồn. Tôi rất cảm ơn các nhà hảo tâm đã ủng hộ và CLB, cá nhân cháu Lâm đã kết nối, giúp đỡ tôi".
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, anh Lâm đã cùng anh em hội viên vận động được hàng ngàn hộp khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắt để tặng cho bà con khu chợ, khu cách ly trên địa bàn huyện Hiệp Hòa trị giá 52 triệu đồng; vận động 50 suất quà tặng NKT; vận động được 5 triệu đồng tặng cháu Hoàng Văn Hùng (xã Thái Sơn) mắc bệnh hiểm nghèo…
Những năm miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, CLB đã vận động và ủng hộ nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng lũ, với tổng số tiền vận động và trao đi từ khi thành lập CLB đến nay lên đến hàng trăm triệu đồng.
CLB phối hợp với Phòng khám đa khoa SARA Đạo Ngạn (huyện Việt Yên) tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho NKT vào năm 2020. Các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế về người khuyết tật (3.12), ngày Người khuyết tật Việt Nam (18.4), anh Lâm đều vận động được hàng chục suất quà tặng NKT trên địa bàn huyện.
Là người thủ lĩnh của CLB, anh Lâm không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất của hội viên mà còn sát sao đến đời sống tinh thần của họ. Anh đã vận động để tổ chức các chương trình thi đấu cầu lông, cờ tướng, cờ vua, âm nhạc... cho NKT, tạo sân chơi để họ thể hiện bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Anh Lâm còn thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm hướng nghiệp cho NKT, tổ chức các chuyến tham quan học hỏi mô hình kinh tế tiêu biểu, tạo động lực cho NKT khởi nghiệp, quyết tâm thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Đến nay, CLB đã có khoảng 30 hội viên và trở thành mái nhà thứ 2 cho cộng đồng NKT trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.
Chị Ngô Thị An Trang, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Hiệp Hòa, nhận xét: "Đồng chí Nguyễn Văn Lâm là người rất trách nhiệm, tâm huyết với các hoạt động, phong trào của CLB Thanh niên khuyết tật huyện Hiệp Hòa. Với vai trò chủ nhiệm CLB, đồng chí Lâm đã thường xuyên kết nối, vận động các nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các tổ chức cá nhân trong và ngoài huyện để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn huyện trong những năm qua. Tấm gương vươn lên số phận, góp ích cho cộng đồng như anh Lâm rất cần được lan tỏa, biểu dương".